Nấm mèo hay nấm tai mèo là tên gọi thông dụng của nấm mộc nhĩ. Vì sao có tên gọi như vậy? Vì hình dáng của loại nấm này khá giống tai người, nên được gọi là “nhĩ”. Chúng mọc ở trên cây gỗ và có kết cấu tựa cao su, tương đối cứng và giòn như gỗ, mà gỗ là “mộc”. Ghép lại gọi là “mộc nhĩ”, nghĩa là “tai của gỗ”. Bên cạnh đó, một số người còn cho rằng hình dáng của loại nấm này lại giống tai mèo, nên vài địa phương còn gọi chúng là nấm mèo hay nấm tai mèo.
Nấm mèo mặt ngoài màu nâu nhạt, có lông mịn, mặt trong nhẵn màu nâu sẫm. Thể quả chất keo, thời kỳ đầu hình chén, dần dần biến thành hình cái tai, hoặc hình lá, đại bộ phận phẳng, nhẵn, rất ít khi có nếp nhăn. Bộ phận gốc thường có nếp gấp màu xám đỏ, nhiều khi màu tím. Đường kính có thể tới 15 cm.
Nấm mèo có thể mọc hoang trên những cây, cành gỗ mục, ở trong rừng hay vùng đồng bằng trên một số cây như sung, duối, sắn, hòe, dâu tằm. Hiện nấm mèo được sản xuất công nghiệp. Hái về phơi hoặc sấy khô. Dùng làm thuốc thì sao cháy.
Nấm mèo được làm khô tự nhiên bằng cách phơi nắng hoặc sấy, chỉ làm lượng nước trong nấm bốc hơi nên về thành phần dinh dưỡng thì cũng tương đương với nấm tươi.
Người ta chỉ mới biết trong nấm mèo có 10% nước, 9 – 10% protid, 0,2% lipid, 58,5% glucid, 6,3% cellulose, 5,2% tro. Mỗi 100g nấm mèo có 321,3 mg calci, 180,9 mg P, 0,03 mg caroten, 0,14 mg vitamin B1, 0,5 mg vitamin B2, 2,4 mg vitamin PP.
Theo Y học hiện đại
Nấm mèo có một số tác dụng như: chống oxy hóa, nâng cao sức đề kháng, tăng cường khả năng giải độc phóng xạ và ức chế sự phát triển của tế bào ung thư; tác dụng chống viêm; hỗ trợ chống đông máu, hạ đường máu.
Nấm mèo còn có tác dụng bảo vệ hệ tim mạch. Theo nghiên cứu, nấm mèo có khả năng cải thiện thành mạch, giảm mỡ máu, ngăn chặn hình thành mảng xơ vữa và quá trình ngưng kết tiểu cầu trong các bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, loại nấm này có tác dụng hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa sỏi thận, sỏi mật, sỏi bàng quang: thuốc có nhiều chất xơ và chất keo thực vật để kết dính chất độc hại trong ruột, nó có khả năng bào mòn những dị vật hoặc những viên sỏi kết tụ trong cơ thể.
Theo Y học cổ truyền
Nấm mèo có vị ngọt, tính bình, quy kinh Đại trường, Thận, Can, Tỳ, Vị.
Tác dụng: Bổ khí huyết, thông mạch, cầm máu, thanh nhiệt, giải độc tiêu viêm, nhuận táo, lợi trường vị…
Chủ trị: Trị lở, bền cơ, trường phong hạ huyết, tiểu ra máu, băng huyết; chữa thiếu máu, khái huyết, chữa xuất huyết, chảy máu cam, xuất huyết tử cung, huyết áp cao, táo bón, suy nhược toàn thân; góp phần điều trị lỵ do nhiệt, đau răng, bệnh trĩ ra máu.
Ảnh minh hoạ: Internet
Ngoài công dụng làm thức ăn, nấm mèo được dùng làm thuốc giải độc, chữa lỵ, táo bón và rong huyết. Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc bột (sao cháy, tán bột), chia làm nhiều lần trong ngày.
Bảo vệ hệ tim mạch, phòng ngừa bệnh cao huyết áp; hỗ trợ điều trị rối loạn mỡ máu, chống tắc nghẽn động mạch: dùng lượng khoảng 10 g nấm nấu canh ăn hàng ngày, ăn liên tục 45 ngày có thể cải thiện tình trạng xơ vữa động mạch hoặc thiểu năng tuần hoàn não.
Món canh nấm mèo gồm: Nấm mèo 10 g, đại táo 5 quả, thịt heo nạc 50 g, 3 lát gừng, tất cả hầm với 6 chén nước, còn 2 chén thì thêm muối. Mỗi ngày ăn một lần, liên tục trong nhiều ngày.
Nấm mèo còn được sử dụng trong chữa đi lỵ ra máu hoặc mạn tính; chữa trĩ lâu ngày; hỗ trợ điều trị hen suyễn, miệng khô, nhiều đờm, tay chân lạnh, mặt tái nhợt; cải thiện suy nhược cơ thể; chữa kinh nguyệt không đều, tiểu tiện ít, nước tiểu màu vàng…
Lưu ý khi dùng nấm mèo
- Những người thể tạng yếu hay bị lạnh, hay đầy bụng hoặc đi tiêu lỏng thì khi dùng thuốc nên dùng kèm vài lát gừng tươi nướng sơ qua lửa.
- Không ngâm nấm mèo khô bằng nước nóng, nên ngâm bằng nước lạnh; không được ăn nấm mèo tươi ngay sau khi hái mà phải phơi qua nắng để nấm khô đi, sau đó mới có thể sử dụng.
- Không dùng kết hợp nấm mèo với củ cải trắng, ốc bươu hay sử dụng sau khi ngâm nước quá lâu, bởi có thể gây ngộ độc.
- Người viêm dạ dày mạn tính, viêm đại tràng hoặc đại tiện phân lỏng không nên sử dụng nấm mèo.
- Không nên ăn quá nhiều nấm mèo vì có thể gây tắc nghẽn đường tiêu hóa, khiến dạ dày không tiêu hóa được.
- Phụ nữ mang thai không nên ăn nhiều.
Sơ chế nấm mèo đúng cách an toàn
Nấm mèo khô đem ngâm trong nước mát cho nấm nở đều, với thời gian khoảng 30 phút, nếu cần ngâm lâu cũng không nên quá 3 – 4 tiếng. Nếu lỡ ngâm quá nhiều và dùng không hết, có thể đem phơi khô, đóng túi kín bảo quản để sử dụng lần sau.
Tránh ngâm quá lâu hoặc để qua đêm sẽ sản sinh nhiều chất độc trong nấm. Không nên sử dụng nước nóng để ngâm cho nấm mau nở vì chất morpholine trong nấm không có nhiều thời gian để trung hòa.