Nấm kim châm được sử dụng rộng rãi trong văn hóa ẩm thực ở các nước châu Á.
Nhiều món ăn ngon chế biến từ nấm kim châm như: bò cuốn nấm kim châm, trứng cuộn nấm kim hâm, lẩu nấm kim châm,… ngon và bổ được nhiều người thích. Nấm kim châm còn có nhiều công dụng trị bệnh.
Nấm kim châm chứa protein, lipid, carbohydrate, chất xơ, canxi, sắt, phosphor, kali, natri, đồng, magne, kẽm, selen; các vitamin A, B1, B2, B6, C, D, E; carotene; folacin, pantothenic acid, niacin. Nấm kim châm có 16 loại axit amin trong đó có 8 loại cần thiết cho cơ thể con người. Đặc biệt giàu lisin và kẽm giúp tăng trí nhớ của trẻ; còn chứa kali, rất tốt với người tăng huyết áp, làm giảm cholesterol máu, thúc đẩy nhu động ruột và dạ dày, chống béo phì. Thường xuyên ăn nấm kim châm phòng trị bệnh gan và loét dạ dày. Sau đây là một số món ăn thuốc có nấm kim châm.
Nấm kim châm trộn dưa giá thanh nhiệt giải độc, phòng chống béo phì.
Nấm kim châm trộn giá đậu xanh: nấm kim châm tươi 250g, giá đậu xanh 150g; ga vị, muối, xì dầu, mì chính, gừng, dấm, tiêu bột, dầu thực vật. Nấm kim châm bỏ gốc rửa sạch, giá đậu đãi vỏ rửa sạch. Chần giá và nấm bằng nước sôi, vớt ra để ráo, sau đó trộn với các gia vị trên. Tác dụng thanh nhiệt giải độc hạ huyết áp.
Nấm kim châm trộn dưa giá: 200g nấm kim châm, 200g giá đậu xanh, nửa củ cà rốt, nửa quả dưa leo, 1 quả ớt sừng, rau mùi ta. Bát nước trộn gồm: 1 thìa canh giấm, 1 thìa cà phê nước mắm, nửa thìa canh đường, nửa thìa cà phê muối, nửa thìa cà phê ớt băm. Nấm kim châm cắt gốc, rửa sạch, để ráo nước. Giá đậu xanh rửa sạch, ngắt bỏ đầu và gốc. Cà rốt gọt vỏ, thái chỉ. Dưa leo bỏ ruột, cắt lát mỏng. Ớt sừng bỏ hạt, cắt miếng. Cho nấm kim châm, giá, dưa leo, ớt sừng, rau mùi vào âu, rưới nước trộn vào trộn đều. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, phòng chữa béo phì.
Canh nấm kim châm tôm nõn: nấm kim châm tươi 100g, tôm nõn 50g; lá cải thìa 20g; nước xương gà 750ml; dầu rán, bột gia vị, hành gừng. Nấm kim châm bỏ gốc rửa sạch, cải thìa rửa sạch thái sơ. Cho dầu vào chảo đun nóng, đổ tôm nõn, hành, gừng, lá cải vào xào qua rồi đổ nước xương gà vào cùng với nấm kim châm, bột gia vị, đun sôi là được. Món này rất tốt cho người bệnh gan, suy yếu tình dục.
Canh nấm kim châm thịt nạc: nấm kim châm nấu canh với thịt nạc hoặc cá, cho trẻ ăn trong bữa cơm, ăn hai lần một tuần sẽ có hiệu quả rõ rệt. Món này dùng cho trẻ hay bị chảy máu cam do hỏa táo hoặc nhiệt khí.
Cá trê om nấm kim châm: cá trê 1 con 500g, nấm kim châm; gừng, tỏi, hành thái nhỏ vừa đủ; mộc nhĩ, ít muối, nửa thìa cà phê bột năng, tiêu bột, nửa thìa canh xì dầu, 1 cốc nước, 1 thìa cà phê đường, dầu vừng. Cá trê mổ bỏ ruột, rửa sạch, thấm khô, ướp gia vị, rán qua, gắp ra để ráo. Nấm kim châm, mộc nhĩ ngâm mềm, tráng nước sôi, để ráo. Phi thơm gừng, tỏi, cho nấm kim châm, mộc nhĩ đảo nhanh, cho nước, gia vị, đun sôi, cho cá vào om đến khi nước gần cạn cho bột năng, hành. Công dụng: chữa can thận yếu, suy giảm tình dục, tiêu hóa kém. Dùng tốt cho sản phụ suy nhược cơ thể, kém ăn.
Chim cút hấp nấm kim châm: chim cút 4 con, nấm hương 2 cái, táo tầu 2 quả; nấm kim châm, mộc nhĩ, gừng, hành vừa đủ; nước gừng, rượu mỗi thứ nửa thìa cà phê; bột gia vị, xì dầu mỗi thứ 1 cà phê, chút đường, dầu vừng, hạt tiêu. Nấm hương ngâm mềm, bỏ chân rửa sạch, thái sợi; nấm kim châm, mộc nhĩ ngâm mềm, nhúng qua nước sôi, rửa sạch để ráo; táo tàu bỏ hạt rửa sạch. Chim cút làm sạch, bỏ nội tạng, lọc xương lấy thịt, thái miếng mỏng, ướp cùng nấm kim châm, mộc nhĩ, gừng, táo tàu, rắc hành phía trên, hấp cách thủy trong 10 phút, rưới chút dầu vừng, ăn nóng. Công dụng: bổ khí huyết, lợi thủy tiêu thũng, hoạt huyết điều kinh, mạnh gân cốt; rất tốt cho người bị ho phế hư, trĩ, lỵ ra máu, huyết ứ sau đẻ.
Nấm kim châm xào cua: 2 bìa đậu phụ thái miếng; 150g nấm linh chi, nấm rơm, nấm kim châm; 50g thịt cua biển, 2 thìa cà phê tỏi, hành băm nhỏ; 2 thìa canh nước dùng; 1 thìa cà phê bột năng; dầu ăn, bột gia vị, tiêu bột vừa đủ. Nấm rửa sạch thái nhỏ. Cho dầu vào chảo, phi hành, tỏi, cho thịt cua, nấm vào xào, nêm bột gia vị, bột tiêu, nước dùng, đun sôi, cho bột năng pha loãng vào, cho đậu phụ, hấp 5 phút. Công dụng: Phòng chữa loãng xương, tăng huyết áp.
Lưu ý: Người tỳ vị hư hàn nên ăn chín và không ăn nhiều nấm kim châm. Không dùng cho người bị lở loét, chấn thương có thấp nhiệt ở tỳ vị.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/nam-kim-cham-mon-ngon-chua-nhieu-benh-n154582.html