Đang là phó giám đốc một công ty nước ngoài thuộc lĩnh vực quan hệ công chúng, Vũ Hoài Thu đột ngột bỏ việc để đi… trồng nấm.
Bỏ chức phó giám đốc đi kinh doanh nấm
Tốt nghiệp thạc sĩ ngành truyền thông đại chúng ở nước ngoài, chị Vũ Hoài Thu nhanh chóng dấn thân vào ngành nghề thời thượng này. Gần 10 năm gắn bó với một công ty liên doanh với Mỹ thuộc hàng “đỉnh” trong lĩnh vực quan hệ công chúng ở Việt Nam – Hoài Thu đã trở thành một trong những nhân sự cốt cán tại đây với vị trí phó giám đốc.
Vậy mà, bằng một quyết định rất đột ngột, thậm chí hơi… mơ mộng, chị rời bỏ công việc có mức lương cao và nhiều cơ hội thăng tiến ấy để khởi nghiệp kinh doanh riêng của mình với một sản phẩm không mấy liên quan: nấm tươi.
Chị chia sẻ: “Đó quả thực là một quyết định tình cờ và bất ngờ. Có lẽ do bản tính của tôi luôn muốn chinh phục, khám phá cái mới, ít bằng lòng và sợ những thứ tẻ nhạt, những công việc lặp đi lặp lại hằng ngày. Tôi luôn muốn cuộc sống của mình tràn ngập những điều mới mẻ và thách thức thú vị”.
Cười xòa, chị bảo, trước đây, chị không phải một “tín đồ” của nấm, thậm chí còn hiếm khi ăn nấm, vậy mà, cơ duyên và tình yêu với nấm đến một cách tình cờ đã khiến chị đột ngột rẽ hướng.
Chị Hoài Thu trong một lần đi làm từ thiện
“Trong một chuyến công tác sang Mỹ, tôi thấy có một doanh nghiệp trồng nấm trong hộp để làm sản phẩm trang trí trong gia đình, văn phòng và lập tức bị ấn tượng mạnh. Sản phẩm đó như thách thức trí tưởng tượng, sự ưa thích khám phá của tôi, vậy là tôi quyết định, khi về Việt Nam tôi sẽ đi… trồng nấm” – chị cho hay.
Đó là năm 2012, khi chị đang mang bầu em bé thứ hai. Hoài Thu đột ngột xin nghỉ việc trong sự ngỡ ngàng của chồng và các cộng sự ở công ty cũ. “Nhiều người cũng can ngăn, bảo tôi chưa biết làm cái mới có ra gì không, cứ từ từ đã, “hai tay hai súng” đã, đừng vội vàng nghỉ, nhưng tôi nghĩ, đã quyết tâm làm gì thì phải toàn tâm toàn ý cho nó nên vẫn không thay đổi quyết định.
Ông xã tôi cũng không ủng hộ việc này vì nghĩ rằng tôi bắt đầu một công việc hoàn toàn mới quá mạo hiểm, vất vả và nhiều sức ép, chưa kể đến chuyện thời điểm đó, tôi đang mang thai. Bằng say mê thực sự của mình, tôi cố gắng thuyết phục anh. Ai cũng có một tuổi trẻ thôi, tôi nghĩ, mình có ước mơ, có khát vọng thì hãy thực hiện, chứ vài năm nữa, khi lớn tuổi rồi, bị ì trong tư duy rồi, lúc đó có muốn chưa chắc tôi đã làm được. Anh ậm ừ cho qua, dù tôi biết anh vẫn không ủng hộ mình”.
Thế là, cô thạc sĩ truyền thông vác bụng bầu đi học một khóa trồng nấm cơ bản ở Trung tâm Công nghệ sinh học Thực vật, Viện di truyền (thuộc Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn). Tìm hiểu rồi chị mới biết, trồng nấm là một công việc cực kỳ phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, sự chăm sóc tỉ mỉ, phải ăn ngủ cùng nó, phải cận kề theo dõi độ ẩm, nhiệt độ, không khí, gió, sự biến đổi của thời tiết… Nhận thấy những điều kiện đó chưa phù hợp với mình, chị chuyển hướng sang kinh doanh, làm thương mại về nấm.
Hoài Thu tâm sự: “Tôi nhận ra một nghịch lý: nấm được trồng ở Việt Nam ngon và an toàn, vậy mà thị trường không ưa chuộng. 80% nấm ở trên thị trường là nhập khẩu từ nước ngoài, mà tôi tin là phải có chất bảo quản để giữ độ tươi, vì nấm bày bán ở chợ hoàn toàn không có tủ mát để bảo quản; trong khi nấm tươi của mình sản xuất được lại phải sơ chế để xuất khẩu ra thế giới. Trong bối cảnh đó, tôi xác định hướng kinh doanh của mình chỉ tập trung vào nấm Việt Nam. Tôi tin cây nấm trồng tại Việt Nam có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai khi người tiêu dùng trong nước hiểu hơn về giá trị của nó.”
Theo chị Thu, nấm được trồng ở các trang trại Việt Nam hoàn toàn sạch, có chất lượng cao và không có chất bảo quản nên từ lúc nhập về, vào kho và xuất bán, phải được bảo quản lạnh.
Nói là làm, chị cất công đi các địa phương để tìm hiểu tình hình và chọn được vài đối tác ở các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Nam và Đà Lạt. Ngoài 3 loại nấm cơ bản đã có truyền thống ở Việt Nam là nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, chị đã bàn bạc với các đối tác sản xuất thêm một số loại nấm đặc sản nữa để tung ra thị trường hơn chục loại nấm “made in Việt Nam” 100% trong thời gian “thần tốc”: từ khi nảy ra ý tưởng đến khi hàng lên kệ trong các hệ thống siêu thị, cửa hàng ở Hà Nội chỉ chừng một năm.
Chị bảo: “Ở đâu thì không biết, nhưng với kiến thức của mình, tôi biết ở Việt Nam, nông dân trồng nấm hoàn toàn tự nhiên, tuyệt đối không có hóa chất kích thích, tăng trưởng, chất bảo quản. Nấm là loại cây trồng tinh sạch nhất, chỉ có thể sinh trưởng và phát triển được trong môi trường sạch, được tưới bởi nguồn nước sạch và chăm sóc theo quy trình vệ sinh tiêu chuẩn”.
Biết vậy, chị vẫn cẩn trọng kiểm soát sản phẩm của các đối tác, từ độ sạch, an toàn cho đến việc trang bị cho từng sản phẩm nấm công ty phân phối một bộ hồ sơ công bố chất lượng, giấy xét nghiệm lý-hóa-sinh, không chỉ bởi sự yên tâm, mà còn là một minh chứng cho sự tinh sạch của cây nấm Việt Nam.
Sáng tạo “trang trại” nấm trong nhà.
Không bằng lòng với việc công ty của mình chỉ đơn thuần phân phối sản phẩm nấm tươi, dù tự hào mình đã góp phần thúc đẩy để đưa thêm nhiều loại nấm mới vào thị trường, chị Thu vẫn đặt mình vào những thách thức mới. Chưa bao giờ từ bỏ khát vọng làm được những bộ sản phẩm trồng nấm như đã thấy ở Mỹ, chị quyết hiện thực hóa ý tưởng làm “trang trại” nấm trong nhà. Cuối năm 2013, đứa con tinh thần của chị – bộ trồng nấm tại nhà – đã chính thức ra mắt.
Chị tự hào cho hay: “Tôi rất hãnh hiện với thành công này. Đến thời điểm này, tôi là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất làm được mô hình trang trại thu nhỏ này. nó vừa đem lại niềm vui cho người trồng, vừa để trang trí, lại là loại thực phẩm rất ngon và bổ dưỡng. Đó cũng là minh chứng mạnh mẽ cho sự tinh sạch của nấm trồng, vì ngoài nước lã, không cần bất cứ loại hóa chất nào để nấm có thể sinh trưởng được.”
“Trang trại” nấm hoa hồng thu nhỏ.
Thành công ấy, hẳn nhiên, đã đến sau rất nhiều gian nan. Hoài Thu chia sẻ, 3 mô hình “trang trại” nấm trong hộp chị làm (nấm Hoa hồng, nấm Ngô và nấm Hào hương) đều là những giống nấm chưa phổ biến ở Việt Nam, dù đã rất quen thuộc trên thế giới. Lúc mới ra sản phẩm, nhiều khách dè chừng, thậm chí còn mắng chị “Sao lại bôi phẩm màu vào nấm thế kia?”.
Những nhánh nấm ngô xinh xắn như hoa mọc ra từ chiếc hộp.
Với người chăm khéo, mỗi “trang trại” nấm thu nhỏ có thể cho thu hoạch 4 – 5 lứa nấm trong khoảng 3 tháng, và nấm thu hoạch có thể ăn được, thậm chí còn rất ngon và bổ dưỡng. Chị cho biết thêm, trong thời gian tới, chị sẽ tung ra nhiều sản phẩm mới, toàn bộ làm từ nấm Việt.
Một số chồi nấm khỏe mạnh tự bung mình qua những khe hở.
“Một trong những may mắn của tôi là kiến thức, kinh nghiệm, của công việc cũ hỗ trợ rất nhiều cho công việc hiện tại. Mặt khác, từ khi xác định sẽ mở công ty riêng, tôi cũng đã có một kế hoạch tài chính riêng cho nó,và luôn chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất xảy ra để không bị động, không thất vọng. Tôi là người luôn làm việc có kế hoạch trước và làm việc có tổ chức” – nữ Giám đốc 35 tuổi chia sẻ.
Vườn ươm những “trang trại” nấm của chị Hoài Thu.
Nói về gia đình riêng, Vũ Hoài Thu cười: “Với việc kinh doanh, có thể nói tôi đã vượt qua khó khan ban đầu, nhưng với chồng, tôi vẫn đang trong giai đoạn thuyết phục và tự khẳng định mình. Để thuyết phục anh rằng hướng đi tôi chọn lựa là đúng. Một trong những lý do khiến ông xã lo lắng nhất là trong khi rất bận rộn với công việc kinh doanh, tôi vẫn phải chăm lo cho hai con, một bé hơn 4 tuổi và một bé hơn 1 tuổi. Để cân đối, hài hòa giữa thời gian dành cho công việc và gia đình, không có cách nào khác là phải phân công công việc một cách khoa học! Đến giờ, có vẻ anh ấy đã xuôi xuôi rồi”.
“Tôi rất tự hào với thành công ban đầu này!”
“Nói vậy thôi, chứ mặc dù phản đối, anh ấy cũng hỗ trợ tôi hết mình trong những vấn đề như tư vấn chiến lược kinh doanh, bán hàng, quản lý tài chính, dù anh làm kinh doanh trong lĩnh vực kỹ thuật, ít liên quan đến ngành nghề của vợ” – chị vui vẻ bật mí thêm.
Theo afamily