Làm “chứng minh thư” cho nấm – Báo Kinh tế Sài Gòn số ngày 20-02-2014

Quyết định rời bỏ vị trí Phó giám đốc Công ty truyền thông T&A Ogilvy, một công việc có mức lương cao và nhiều cơ hội thăng tiến, Vũ Hoài Thu khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh nấm. Ngoài tình yêu đối với nấm, Giám đốc điều hành công ty Ideal Foods Việt Nam còn đặt ra mục tiêu xây dựng một mô hình quản trị doanh nghiệp theo đúng các quy chuẩn hiện đại, đặc biệt ở khâu phân phối.

gap-nguoi-phu-nu-say-me-nam-viet-6-21afa

 

Khởi nghiệp với nấm

Khoảng một năm gần đây, trên các quầy kệ rau sạch và hàng nông sản bảo quản tươi tại các siêu thị ở Hà Nội xuất hiện một số loại nấm mới có màu sắc bắt mắt (hồng, vàng) và có các tên như nấm ngô, nấm trà tân, nấm hoa hồng, được đóng khay hoặc đóng hộp dưới tên gọi “bộ trồng nấm gia đình” của Công ty Thực phẩm Ideal Foods Việt Nam. Một nhân viên siêu thị Ocean Mart cho biết các sản phẩm nấm mới này được “trồng và phân phối 100% ở Việt Nam”.

Vũ Hoài Thu đã rời bỏ công việc mà cô được đào tạo ở nước ngoài và đã thành công với nó để đột ngột rẽ hướng sang kinh doanh nấm. Thu tâm sự: “Trong một chuyến công tác sang Mỹ hồi đầu năm 2012, tôi thấy một số doanh nghiệp Mỹ trồng nấm hay quá. Từ bã cà phê, phối trộn thêm một số chất khác để có một bộ trồng nấm ở nhà, cứ thế họ trồng. Nấm nở trước mắt, vừa đẹp, vừa ngon, vừa vui”.

Với bản tính thích cái mới và đã thích thì phải làm bằng được, Thu dành thời gian nghiên cứu về nấm. Cô phát hiện 90% nấm bán ở các siêu thị trong nước chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nấm được trồng ở trong nước cũng có nhưng chỉ vài loại: nấm sò, nấm mỡ, nấm rơm, vốn không được ưa chuộng bằng các loại nấm nhập như nấm kim châm, nấm đùi gà…

Cũng qua tìm hiểu, Thu biết nhiều loại nấm nhập từ Trung Quốc bán ở siêu thị hay ở các chợ được đóng gói và dán nhãn nhập nhèm, địa chỉ thì không rõ là cơ sở nhập khẩu hay phân phối. Một số do có chất bảo quản nên không cần bảo quản lạnh như nấm trồng ở Việt Nam, cứ bày bán thoải mái ngoài chợ mà không hỏng.

Quyết định khởi nghiệp với nấm, bài học đầu tiên mà cô rút ra: khó có thể tự trồng nấm rồi phân phối. Bởi trước tình trạng “tấc đất tấc vàng” ở Hà Nội, việc lập cơ sở trồng nấm rồi “ăn, ngủ” với nó, canh nhiệt độ phù hợp ngày đêm để cho ra một lứa sản phẩm là việc ngoài khả năng hiện tại của cô.
slideshow_tp_2
Nhưng thị trường Hà Nội mỗi ngày tiêu thụ 70 – 80 tấn nấm, tính ra khoảng 350 – 400 triệu đồng/ ngày mà 80% là nấm nhập khẩu. Trong khi Việt Nam thừa rơm rạ, mùn cưa, lõi ngô, bã mía – những nguyên liệu đầu vào của nghề nấm, giải quyết việc làm cho nhiều hộ nông dân.

Vậy thì làm thị trường, tạo kênh phân phối trước. Ideal Foods ra đời với 5 nhân viên ban đầu và chủ trương tiết kiệm chi phí tối đa để tập trung làm thị trường. Thu quyết định liên kết với các cơ sở trồng nấm ở Thái Nguyên, Phú Thọ, Đà Lạt đặt hàng họ sản xuất các loại nấm theo yêu cầu của mình và xây dựng hệ thống phân phối.

gap-nguoi-phu-nu-say-me-nam-viet-8-21afa

Tìm đường cho nấm Việt

Khởi đầu với ba cửa hàng bán nấm ở phố Quang Trung, Tôn Đản và Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội), Thu thăm dò thị trường để tiến vào kênh siêu thị. Cô phát hiện cho đến năm 2012, chưa có một doanh nghiệp nào phân phối nấm Việt vào đây. Tại các siêu thị, nấm nhập khẩu thả sức tung hoành.

Cái yếu của những cơ sở trồng nấm trong nước lâu nay là cứ sản xuất rồi từ tỉnh đổ về các chợ đầu mối để tỏa đi các chợ nhỏ. Việc bảo quản sau thu hoạch nấm (vốn rất dễ hỏng) không được chú trọng, mẫu mã chủ yếu đóng túi nylon… nên thực sự chưa có một thương hiệu nấm Việt nào được người tiêu dùng ưa chuộng.

Với quan niệm của người làm thương hiệu lâu năm, Thu luôn muốn có một bộ hồ sơ đầy đủ cho các sản phẩm của mình để không phải “luồn lách” với các cơ quan quản lý và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Sau các đơn đặt hàng sản xuất, Thu có một quá trình đi làm “chứng minh thư” cho nấm rất đầy đủ. Hàng chục loại giấy tờ được cô kiên nhẫn chuẩn bị, từ giấy chứng nhận cơ sở sơ chế đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, rồi hồ sơ công bố chất lượng từng loại nấm (khoảng hơn 10 hồ sơ cho các loại nấm do Ideal Foods phân phối), trồng tại đâu, mang nấm đi xét nghiệm các chỉ tiêu, thành phần dinh dưỡng…

Với những bộ hồ sơ như thế, sản phẩm nấm của Ideal Foods có mặt tại hệ thống các siêu thị: Intimex, Ocean Mart, Co.opmart, Hiway, Unimart… và hơn 100 cửa hàng bán rau sạch tại Thủ đô cũng như chuỗi các cửa hàng lẩu nấm lớn như Ashima, Kitchi-Kitchi…

Sản phẩm được đóng khay, đóng hộp, đa dạng về chủng loại và trọng lượng, bắt mắt và có xuất xứ rõ ràng, thậm chí tên gọi cũng khá hấp dẫn: nấm chân dài, nấm cẩm thạch…

Thu hào hứng, vì hiện tại cô đã đặt hàng sản xuất được các bộ trồng nấm gia đình, trồng các loại nấm hoa hồng, nấm hào hương, nấm ngô màu sắc rực rỡ, vừa là thú vui trồng nấm vừa có thể… ăn được như người Mỹ đã làm.

“Tôi hy vọng sẽ tạo ra một phong trào trồng nấm như nuôi gà ảo hay thêu tranh chữ thập. Mua một số bộ trồng nấm, con trẻ cũng có thể phun nước tưới hàng ngày, nhìn nó lớn nhanh như thổi, tạo ra sản phẩm bắt mắt, ăn được, dễ ham lắm”, Thu nói.

Cô cho biết sẽ “cháy” hết mình với thương hiệu nấm Việt. Bởi mới hơn một năm thành lập (từ tháng 8/2012) và chưa đầy một năm sau khi đưa sản phẩm chiếm khoảng 30% danh mục nấm tại siêu thị, công ty đã có lãi dù chưa nhiều. Thu muốn làm tiếp để “đánh bật” nấm Trung Quốc, nấm không rõ xuất xứ ra khỏi các quầy kệ dành cho người tiêu dùng Việt Nam.

LAN NHI/TBKTSG
Link Xem  Chính thức : http://www.thesaigontimes.vn/110621/Lam-chung-minh-thu-cho-nam.html