Món ăn từ nhiều loại nấm không chỉ ngon miệng mà còn mang lại chất dinh dưỡng phong phú. Ăn nấm thường xuyên giúp tăng cường sức khỏe.
1. Dinh dưỡng của nấm
Nấm là thực phẩm lựa chọn thay thế cho thịt đỏ của nhiều người. Tùy thuộc vào quá trình nấu, nấm có thể có kết cấu đậm đà, thường được mô tả là có vị thịt. Vì lý do này, nhiều người đang tìm kiếm sản phẩm thay thế thịt thường chuyển sang nấm để cung cấp chất dinh dưỡng và sự phong phú cho món ăn.
Nấm còn cung cấp protein hoàn hảo. Hầu hết các loại nấm cung cấp protein hoàn chỉnh, chứa tất cả các acid amin thiết yếu (khối xây dựng của protein) mà cơ thể cần. Nấm không chứa chất béo nhưng có hàm lượng acid béo quan trọng lớn, có lượng calo và đường thấp trong khi là nguồn cung cấp chất xơ. Ngoài ra nấm còn chứa các vitamin, khoáng chất như: vitamin A, B1, B2, B12, C, D, E, sắt, canxi, natri, kali…
Vì nấm chứa tất cả các acid amin thiết yếu mà cơ thể cần nên nấm là một thực phẩm tốt để thay thế thịt hoặc là cách để bổ sung thêm protein trong chế độ ăn. Ăn nấm là một cách lành mạnh để tiêu thụ protein và các chất dinh dưỡng có lợi khác mà không bổ sung quá nhiều calo hoặc cholesterol.
2. Một số lợi ích nhận được từ việc tiêu thụ nấm
Theo ThS. Trần Đông Anh, giảng viên Khoa Công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nấm được coi là một thành phần của nhiều món ăn ngon trên toàn cầu; đặc biệt là vì hương vị độc đáo của chúng và đã được nhân loại coi là một kỳ quan ẩm thực. Hơn 2.000 loài nấm tồn tại trong tự nhiên, nhưng khoảng 25 loài được chấp nhận rộng rãi làm thực phẩm và một số ít được trồng thương mại. Nấm được coi là một món ngon có giá trị dinh dưỡng và chức năng cao, chúng cũng được coi là thực phẩm dinh dưỡng.
2.1. Nấm có chứa chất chống viêm
Viêm là một phần của quá trình phát triển của nhiều bệnh khác nhau, bao gồm bệnh tim, viêm khớp, rối loạn tự miễn dịch và ung thư. Nấm đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm, làm giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của các bệnh viêm nhiễm.
Nấm có một số chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học khác nhau, là những chất được tạo ra trong quá trình tiêu hóa nấm. Những chất chuyển hóa có hoạt tính sinh học này chịu trách nhiệm về tác dụng chống viêm.
2.2. Cung cấp chất chống oxy hóa
Nấm cũng cung cấp chất chống oxy hóa tự nhiên. Chất chống oxy hóa là những hóa chất làm bất hoạt các gốc tự do, là những phân tử không ổn định được tạo ra trong quá trình tế bào có thể gây hại cho cơ thể theo nhiều cách khác nhau.
Các gốc tự do, được sản sinh với số lượng lớn hơn khi cơ thể bị căng thẳng hoặc tiếp xúc với thực phẩm và hóa chất không lành mạnh, có thể góp phần gây ra bệnh ung thư, bệnh tim, bệnh gan… Một số thành phần và sản phẩm phụ khác nhau của nấm có tác dụng chống oxy hóa trên cơ thể.
2.3. Thúc đẩy giảm cholesterol
Mức cholesterol và chất béo cao có thể gây hại cho cơ thể, góp phần gây ra bệnh tim, đột quỵ và bệnh mạch máu. Ăn nấm trong một chế độ ăn kiêng đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm mức cholesterol và lipid (chất béo).
Các thành phần hóa học có trong các loại nấm khác nhau có thể liên kết với chất béo và cholesterol để loại bỏ chúng khỏi cơ thể, đồng thời các enzyme do nấm sản xuất có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu bằng cách phân hủy chất béo không lành mạnh.
2.4. Tăng cường sức khỏe đường ruột
Nấm chứa chất xơ và beta-glucans, cả hai đều có lợi cho sức khỏe đường ruột. Những thành phần này giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa và cũng có thể giúp ngăn ngừa táo bón…
2.5. Giảm nguy cơ ung thư
Tiêu thụ nấm có liên quan đến nguy cơ ung thư tổng thể thấp hơn. Bởi vì các loại ung thư khác nhau có nguyên nhân khác nhau, hiện nay cũng chưa rõ tại sao nấm lại có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau thấp hơn. Nó có thể là do tác dụng chống viêm và đặc tính chống oxy hóa của chúng.
2.6. Hạ huyết áp
Tăng huyết áp (huyết áp cao) là một vấn đề sức khỏe phổ biến. Nấm được coi là một loại thực phẩm hạ huyết áp trong chế độ ăn uống vì chúng có nhiều hợp chất làm giảm huyết áp như ergosterol, polyphenol, terpen, terpenoid, polysacarit và protein.
2.7. Kháng virus và kháng khuẩn
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nấm có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và thể hiện các đặc tính kháng khuẩn giúp bảo vệ chống lại nhiều loại sinh vật truyền nhiễm. Nghiên cứu cho thấy rằng một số tác dụng kháng khuẩn này đến từ các chất dinh dưỡng mà nấm cung cấp. Nó cũng gợi ý rằng nấm cũng chứa các chất hóa học có thể ức chế sự phát triển của vi sinh vật.
2.8. An toàn cho bệnh đái tháo đường
Kiểm soát lượng đường trong máu khi bị bệnh đái tháo đường như quản lý chế độ ăn, thực phẩm tiêu thụ là rất quan trọng. Nấm rất ít glucose và các loại đường khác, do đó là một loại thực phẩm lành mạnh, giúp no lâu, không làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng.
Hơn nữa, nghiên cứu cho thấy nấm có thể làm giảm lượng đường trong máu và có thể tăng sản xuất insulin cho một số người. Insulin là một loại hormone đưa lượng đường trong máu vào tế bào, nơi nó được sử dụng làm năng lượng.
3. Tác dụng phụ của nấm và cách đề phòng
Đầy hơi: Một số người bị đầy hơi sau khi ặn nấm có thể do mannitol, một loại rượu đường tự nhiên được tìm thấy trong một số loại nấm. Nấm cũng có nhiều chất xơ, có thể gây đầy hơi nếu tăng lượng tiêu thụ quá nhanh.
Gây ngộ độc: Nấm có thể chứa vi khuẩn có hại do khâu bảo quản, vận chuyển… Ví dụ, đã có trường hợp ngộ độc salmonella do nấm. Cách tốt nhất để tránh những mối nguy hiểm tiềm ẩn này là đảm bảo mua nấm từ cơ sở đáng tin cậy hoặc ăn nấm tại nhà hàng uy tín, không ăn nấm có dấu hiệu hỏng.
Ngoài ra, hãy đảm bảo rằng các loại nấm đều được bảo quản và chế biến ở nhiệt độ khuyến nghị; không nên bảo quản lâu hơn khuyến nghị. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm theo các biện pháp phòng ngừa an toàn.
Không ăn nấm hoang, nấm dại: Việc thu thập, chế biến và ăn nấm hoang dã đặc biệt nguy hiểm vì chúng có thể gây độc. Các loại nấm độc không dễ phân biệt với nấm không độc có thể gây hại cho tim, gan, thận và nguy cơ tử vong.