Loại thực phẩm này được xem như vừa là ”rau sạch”, vừa là ”thịt sạch”. Việc sử dụng thường xuyên loại thực phẩm này sẽ giúp bạn phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư.
Nấm là thực phẩm tương đối rẻ và được tiêu thụ rộng rãi trên thế giới. Trong những năm gần đây nhiều nghiên cứu đã bắt đầu xác định khả năng chống lại bệnh tật của nấm. Đại học Y bang Penn (Mỹ) đã thực hiện 17 nghiên cứu về mối liên hệ giữa ăn nấm và nguy cơ mắc ung thư trong 24 năm (1996-2020). Những nghiên cứu đã thu nhập dữ liệu của khoảng 19.500 người.
Kết quả công bố trên tạp chí Hiệp hội dinh dưỡng Mỹ cho thấy, những người ăn nấm nhiều hơn giúp giảm nguy cơ ung thư 34% so với những người ít ăn nấm. Đặc biệt người tiêu thụ 18g nấm mỗi ngày có thể giảm đến 45% nguy cơ mắc ung thư. Tiêu thụ nấm nhiều hơn còn giúp giảm 35% nguy cơ mắc ung thư vú.
Một nghiên cứu khác công bố năm 2009 của Nhật Bản cho thấy, có mối liên hệ giữa tiêu thụ nấm và tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu của hơn 36.000 đàn ông Nhật Bản từ 40-79 tuổi và theo dõi họ trung bình 13,2 năm.
Mỗi tình nguyện viên tham gia vào một trong năm nhóm dựa trên mức tiêu thụ nấm gồm: Hầu như không bao giờ (6,9%), một hoặc hai lần mỗi tháng (36,8%), một hoặc hai lần mỗi tuần (36,0%), ba hoặc bốn lần mỗi tuần (15,7%) và ăn mỗi ngày (4,6%).
Trong thời gian theo dõi, có hơn 1.200 người mắc ung thư tuyến tiền liệt, chiếm 3,3% số người tham gia. Những người ăn nấm 1-2 lần mỗi tuần có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn 8% so với người ăn nấm ít hơn một lần mỗi tuần. Những người ăn nấm ba lần trở lên mỗi tuần có nguy cơ mắc ung thư này tương đối thấp, hơn 17%.
Dẫu đóng vai trò quan trọng trong việc ngừa ung thư, tuy nhiên 3 nhóm người sau đây không nên ăn nấm vì sẽ gây hại cho sức khỏe:
– Người có hệ tiêu hoá kém: Người có hệ tiêu hoá kém và dạ dày khó tiêu nếu ăn quá nhiều nấm sẽ gây đầy hơi, thậm chí còn làm tình trạng khó tiêu trở nên trầm trọng hơn.
– Người bị xuất huyết não hoặc mới nhổ răng: Nấm không thích hợp dành ho những người bị xuất huyết não hoặc mới nhổ răng về. Vì chức năng chống đông máu của nấm có thể gây phản tác dụng với nhóm người này.
– Phụ nữ có thai hoặc người có lipid máu bất thường cũng không nên ăn nhiều
Khi lựa chọn thưởng thức loại thực phẩm này, bạn cần chú ý đến những “lưu ý” sống sau đây:
1. Chọn nấm tươi và non
Khi chọn nấm bạn phải chọn loại tươi và non, không mua khi có dấu hiệu dập nát hoặc có mùi bất thường.
2. Không dùng quá nhiều dầu ăn để nấu nấm
Nấm là loại thực vật có thể hút chất lỏng rất tốt. Vì thế nếu cho quá nhiều dầu ăn vào lúc nấu, nấm sẽ hút hết lượng dầu vào bên trong. Khi ăn quá nhiều dầu mỡ, bạn sẽ thấy có biểu hiện đầy bụng, khó tiêu. Đồng thời dầu cũng làm cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của nấm.
3. Nên giữ lại nước ngâm nấm khô
Nhiều người cho rằng nước ngâm nấm khô chứa nhiều bụi bẩn. Tuy nhiên loại nước này chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Bạn có thể rửa sạch nấm trước khi ngâm để có thể giữ được nước ngâm.
4. Không chế biến nấm trong nồi nhôm
Khi chế biến trong nồi nhôm, nấm sẽ bị ngả màu, không còn giữ được màu sắc tươi ngon ban đầu.
Để phòng ngừa ngộ độc nấm, khi ăn cần tuyệt đối tránh những điều sau:
– Chỉ sử dụng nấm khi biết chắc chắn đây là loại nấm ăn được.
– Không ăn nấm có màu sắc sặc sỡ, có mùi thơm hấp dẫn vì thường đây là loại nấm độc.
– Không ăn các loại nấm khi còn quá non vì lúc này chúng tương đối giống nhau, khó phân biệt.
– Không ăn loại nấm khi cắt, vết cắt có rỉ ra chất trắng như sữa.
– Không được ăn nấm nếu không biết rõ nguồn gốc: Với một số loại nấm, bạn khó có thể phân biệt được loại nào chứa độc tố, loại nào không. Điều quan trọng nhất chúng ta cần lưu ý là phải biết được nguồn gốc của nấm được trồng ở đâu và thuộc giống gì.
– Nếu như bạn còn nghi ngờ nguồn gốc của nấm thì tốt nhất không nên ăn, chỉ ăn khi nắm rõ thông tin.
Trường hợp sau khi ăn có biểu hiện của ngộ độc nấm như nôn nao, khó chịu, đau bụng dữ dội hoặc nôn ra máu, đi ngoài nhiều lần… bạn cần nhanh chóng gây nôn bằng biện pháp cơ học và đưa đến có cơ sở y tế gần nhất.