Các loại nấm thường có vị ngọt thanh, không ngán ngấy, dùng làm nguyên liệu của cả món chay lẫn món mặn. Tuy nhiên liệu rằng bà bầu ăn nấm được không và chế biến thế nào để tốt cho thai kì?
Chế độ dinh dưỡng cũng như thói quen ăn uống của mẹ trong suốt thời gian mang thai có tác động rất lớn tới sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Do vậy việc cần bổ sung hay kiêng khem loại thực phẩm nào là điều các mẹ bầu đặc biệt quan tâm.
Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ “gỡ rối” nỗi lo có nên thêm các loại nấm vào khẩu phần ăn không và hiểu thêm về tác động của nhóm thực phẩm này tới thai kì.
1. Bà bầu ăn nấm được không?
Có thể nói các loại nấm đã trở thành nguyên liệu rất quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Với giá thành không quá cao lại cung cấp hàm lượng chất dinh dưỡng vô cùng dồi dào như vitamin B, vitamin D, chất xơ, khoáng chất kali, kẽm,…
Vì thế các chuyên gia dinh dưỡng chia sẻ rằng nếu trước khi mang thai mẹ không bị dị ứng hoặc không gặp tác dụng phụ nào từ nấm thì hoàn toàn có thể ăn nấm để dưỡng thai.
Theo đó, mẹ nên lựa chọn một số loại nấm ăn được và an toàn cho thai kì như nấm hương, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm bào ngư, nấm kim châm hay nấm mèo. Các món ăn được chế biến từ những loại nấm này cũng rất đa dạng, giúp mẹ “làm mới” thực đơn dễ dàng và ăn ngon miệng hơn.
2. Bà bầu ăn nấm có lợi cho sức khỏe thế nào?
Lựa chọn các loại nấm an toàn, sơ chế đúng cách và sử dụng với liều lượng hợp lý sẽ đem đến cho bà bầu những lợi ích sức khỏe tuyệt vời sau:
2.1 Bổ sung chất đạm
Nấm được xếp vào nhóm thực phẩm có chứa hàm lượng chất đạm tương đối lớn, đặc biệt rất giàu nhóm chất axit béo chưa no. Đây đều là những hoạt chất lành mạnh và cần thiết trong giai đoạn dưỡng thai của các mẹ bầu, giúp tăng cường tái tạo tế bào, đồng thời vận chuyển dưỡng chất nuôi thai nhi lớn khỏe.
2.2 Phòng chống tiểu đường thai kì
Theo phân tích dinh dưỡng, nhóm chất xơ beta – glucan được tìm thấy ở hầu hết các loại nấm ăn được. Dưỡng chất này sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa thức ăn và hấp thu đường vào máu, từ đó kiểm soát đường huyết không tăng đột biến, giúp mẹ chủ động phòng chống bệnh tiểu đường thai kì hiệu quả.
2.3 Tăng cường sức đề kháng
Không chỉ giúp duy trì nồng độ đường huyết ở mức an toàn, hoạt chất beta – glucan còn hoạt động như chất xúc tác sản sinh các tế bào miễn dịch, nhằm bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các vi khuẩn mang mầm bệnh nguy hiểm.
2.4 Điều hòa huyết áp
Duy trì bồi bổ bằng các loại nấm với lượng vừa đủ, an toàn trong thực đơn hàng ngày sẽ giúp mẹ bổ sung thêm khoáng chất kali tự nhiên để đào thải lượng natri dư thừa.
Bên cạnh đó, dưỡng chất này còn giảm bớt tình trạng tích trữ nước gây áp lực lên thành mạch máu, nhằm điều hòa huyết áp ổn định và hạn chế gây ra những tai biến sản khoa nghiêm trọng.
2.5 Phát triển hệ thần kinh của thai nhi
Chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mẹ thêm nấm vào khẩu phần ăn để hấp thu những vitamin nhóm B quan trọng như vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3 và vitamin B5. Các hoạt chất này góp phần không nhỏ giảm thiểu căng thẳng, lo âu mẹ thường gặp khi mang thai, đồng thời trực tiếp tham gia vào quá trình hoàn thiện chức năng não bộ của thai nhi, ngăn chặn sớm những dị tật bẩm sinh xảy ra.
2.6 Tốt cho hệ vận động
Trong thời gian mang thai, hoạt động đi đứng và di chuyển của bà bầu gặp khá nhiều khó khăn, thường xuyên đau nhức, nhất là ở kì tam cá nguyệt thứ 3 khi em bé ngày càng lớn. Vì thế, bên cạnh việc xoa bóp cùng vận động nhẹ nhàng, mẹ cũng nên bổ sung các nhóm thực phẩm giàu vitamin D và canxin như nấm.
3. Một số lưu ý cần biết khi bà bầu ăn nấm
Mặc dù nấm là thực phẩm giàu dinh dưỡng và có thể chế biến dễ dàng, nhưng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ cũng như thai nhi, hãy nhớ thực hiện đúng một vài lưu ý nhỏ sau đây:
- Chọn mua nấm còn tươi nguyên, không bị nhũn hỏng và tranh thủ sử dụng ngay sau khi mua về, tránh tích trữ lâu ngày.
- Phải ngâm rửa nấm với nước muối loãng trước khi đem chế biến. Chú ý chế biến với nhiệt độ thấp, không đun hầm quá 30 phút.
- Kết hợp đa dạng nhiều thực phẩm, nếu muốn thay thế nấm cho các loại thịt, cá thông thường cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
- Nếu có dấu hiệu dị ứng cần tạm ngưng sử dụng các loại nấm.
Vậy là mẹ bầu không còn phải quá lo lắng khi lựa chọn nấm trong quá trình chế biến món ăn rồi đúng không nào. Chỉ cần tìm mua những loại nấm có nguồn gốc rõ ràng, sử dụng lượng vừa đủ thì thực đơn dưỡng thai không những trở nên đa dạng hơn mà còn đem đến nhiều dưỡng chất quý giá cho cả mẹ và bé.