Nấm hương – rau ăn cao cấp

Nấm hương (còn gọi là nấm đông cô) là một loại nấm ăn có nguồn gốc bản địa ở Đông Á. Ngoài ra, chúng còn mọc hoang nhiều ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ở Mỹ, người nông dân thường trồng loại nấm này tại các trang trại.

Nấm hương từ lâu được xem là rau ăn cao cấp, vị thuốc quý bồi bổ sức khỏe phòng ngừa bệnh tật. Đây là loại nấm có chứa ít calo và rất giàu chất xơ, vitamin B cùng một số khoáng chất, vừa là thảo dược chữa bệnh. Trong 100g nấm hương cung cấp cho cơ thể  296 – 375Kcal trong đó có chất đạm 9,6 – 17%; Carbohydrat 54 – 82%; chất xơ 6,5 – 8,5%; chất béo 0,6 – 8%. Vitamin vitamin C, D, B1, B2, niacin, khoáng chất nhôm, canxi, clo, photpho, kali, silic… đều là dưỡng chất rất cần thiết, có lợi cho cơ thể.

Theo y học cổ truyền, nấm hương có vị ngọt tính bình, không độc. Tác dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng huyết lợi ngũ tạng. Chữa trị các chứng trẻ em người lớn suy nhược, ăn ngủ kém khó lên cân. Nấm hương là nguồn cung cấp vitamin B rất quan trọng, giúp hỗ trợ chức năng thượng thận và chuyển hóa các chất dinh dưỡng từ thực phẩm thành năng lượng để sử dụng. Ăn nấm hương giúp cân bằng hormon tự nhiên và phá vỡ chứng rối trí não để duy trì sự tập trung cả ngày, cải thiện hiệu quả nhận thức. Trẻ lứa tuổi phát triển thường có nhiều mụn trứng cá, trong khi đó, nấm hương có nhiều vi chất như vitamin A, E giúp làm giảm mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá và  vết sẹo có thể xảy ra sau đó. Kẽm trong nấm hương giúp tăng cường chức năng miễn dịch và làm giảm tích tụ DHT để cải thiện làn da. Đối với hệ thống xương khớp, dưới tác dụng của tia cực tím trong ánh nắng mặt trời, chất ergosterol có trong nấm hương sẽ chuyển hóa thành vitamin D2 – loại vitamin góp phần giúp xương chắc khỏe hơn. Vitamin D cũng giúp điều chỉnh và hỗ trợ hệ thống miễn dịch, duy trì trọng lượng cơ thể,  duy trì chức năng não, giảm mức độ trầm trọng của các triệu chứng hen, làm giảm nguy cơ bị  viêm khớp dạng thấp, giảm nguy cơ phát triển đa xơ cứng khi có tuổi.

Ngoài ra, nấm hương là loại nấm giúp tăng khả năng miễn dịch vì các polysaccharide trong nấm có khả năng hoạt hóa miễn dịch tế bào, thúc đẩy quá trình sinh trưởng và phát triển của tế bào lympho, kích hoạt tế bào lympho T và lympho B. Người lớn ăn nấm hương có tác dụng điều tiết công năng tim mạch, làm tăng lưu lượng máu động mạch vành, hạ thấp oxy tiêu thụ và cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim. Món canh dưỡng sinh gồm nấm hương, củ cải, cà rốt, ngưu bàng mỗi vị 50 – 100g tươi và gia vị vừa đủ hầm ăn có tác dụng bổ dưỡng, tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch, chống viêm nhiễm, tốt cho cả trẻ em và người lớn.

Lương y Nguyễn Nghĩa (Vĩnh Phúc)