Nấm hương giàu dinh dưỡng và rất nhiều các nguyên tố vi lượng, nhất là canxi và photpho nên rất thích hợp dùng để bồi bổ, phòng ngừa và chữa trị các bệnh lý xương khớp…
Nấm hương (còn gọi là hương tín, hương tẩm, hương cô, đông cô) từ xa xưa đã được đề cập với vai trò vừa là thực phẩm, vừa là dược phẩm. Theo y học cổ truyền, nấm hương vị ngọt tính bình, có công dụng bổ tỳ, ích khí, dưỡng huyết, hòa huyết, tiêu đờm, trị sởi.
Theo dinh dưỡng học hiện đại, nấm hương là một trong những loại thực phẩm rất giàu chất dinh dưỡng. Trong 100g nấm hương có tới 32,4g protit vượt xa so với nhiều loại thực phẩm khác; 3,6g axit hữu cơ; 21,2g gluxit, rất nhiều các nguyên tố vi lượng, nhất là canxi và phốt pho (156,6 và 545,4 mg trong 100g nấm hương khô). Ngoài ra, trong nấm hương còn có hơn 30 loại enzym, 18 loại axit amin và nhiều vitamin như caroten, B1, B12, PP, C, D… Bởi vậy, từ lâu nấm hương đã được các nhà dinh dưỡng học gọi là “hoàng hậu thực vật”, “vua của các loài rau khô”…
Về mặt dược lý, kết quả nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng của các nhà khoa học Trung Quốc cho thấy, nấm hương có tác dụng điều chỉnh lượng cholesterol trong máu, tăng khả năng miễn dịch ở bệnh nhân ung thư, chống phù và chống còi xương. Bởi vậy, nấm hương rất thích hợp với những người bị rối loạn lipid máu, cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, vữa xơ động mạch, viêm gan mạn, gan nhiễm mỡ, sỏi mật, suy dinh dưỡng, giảm tiểu cầu, loãng xương, còi xương, chứng mềm xương ở trẻ em, giảm tiểu cầu nguyên phát và các bệnh ung thư…
Có nhiều cách dùng nấm hương, đơn giản nhất là ăn riêng nhưng thông thường người ta hay sử dụng nó như một thứ nguyên liệu phụ trợ trong các món ăn được chế biến từ nhiều loại thực phẩm. Tuy nhiên, việc lựa chọn và phối hợp nấm hương với các loại thức ăn khác cũng đòi hỏi có nguyên tắc nhất định để kết quả trị liệu đạt hiệu quả:
Trẻ em còi xương, người già loãng xương: Nấm hương 200g, đậu tương 50g, dầu vừng, tỏi và gia vị vừa đủ. Cách làm: Nấm hương ngâm cho nở hết rồi cắt bỏ chân, rửa sạch. Đậu tương ngâm nước rồi đãi bỏ vỏ. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ rồi hầm nhừ, chế thêm dầu vừng, tỏi đập giập và gia vị vừa đủ, ăn nóng. Công dụng: Hỗ trợ điều trị cho trẻ em bị còi xương, người già bị mắc chứng loãng xương và phù thũng.
Đau lưng mỏi gối: Nấm hương 100g, bầu dục lợn 2 đôi, gia vị vừa đủ. Nấm hương ngâm nước cho nở hết rồi rửa sạch, cắt chân. Bầu dục lợn bổ đôi, ngâm nước lạnh 2 giờ, lọc bỏ gân trắng rồi thái miếng. Xào nấm và bồ dục lợn riêng rẽ, khi chín thì trộn cả hai vào nhau, chế thêm gia vị là được. Công dụng: Bổ thận, tráng dương, kích thích tiêu hóa, thích hợp cho những người yếu sinh lý, hay đau lưng, mỏi gối, ăn uống không ngon miệng. Hoặc 15g nấm hương, 10g vỏ bí đỏ, 25g đường đỏ. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi với lượng nước vừa đủ, nấu chín, mỗi ngày dùng 2 lần để chữa đau lưng mạn tính.
Thiếu canxi gây còi xương, loãng xương: Đậu tương 100g, rửa sạch; nấm hương khô 10g, ngâm nước sôi cho nở; xương sườn lợn 500g, rửa sạch, chặt nhỏ. Đem đậu tương và sườn lợn hầm thật nhừ, cho nấm hương vào đun thêm một lát là được, chế đủ gia vị, dùng làm canh ăn. Theo dược học cổ truyền, đậu tương vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ vị, bổ khí huyết, lợi thủy; nấm hương vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ vị, bổ khí huyết.
BS Khánh Hoàng (Hội Đông y Việt Nam)