Chữa trị ung thư không thể thành công nếu chỉ dựa vào một loại dược liệu hay một bài thuốc duy nhất. Phải xem ung thư là một loại bệnh mạn tính, cần được theo dõi và chăm sóc rất lâu dài. Đặc biệt sau khi phẫu – xạ – hóa trị, người bệnh nên tuân thủ liệu pháp tổng hợp từ ăn uống, tập luyện, sử dụng thuốc, rèn luyện tinh thần… để có thể chiến thắng được bệnh. Vì thế mỗi người cần cần tiến hành chẩn đoán sớm khi chưa có biểu hiện bệnh trên người để phát hiện sớm nếu có bệnh. Từ đó có phác đồ điều trị ngay từ đầu.
Để tăng sức đề kháng của cơ thể, cần kiêng rượu bia, thuốc lá, nước ngọt có gas. Mỗi ngày dành 15-30 phút thực hành thiền định, tĩnh tâm. Cần sự quan tâm đặc biệt của người nhà để động viên, tạo niềm tin, quyết tâm chiến thắng bệnh. Ngoài ra, mỗi sáng sớm phơi nắng khoảng 15 phút, giúp cơ thể có đủ lượng vitamin D cần thiết (kích thích tế bào T của hệ miễn dịch, kiểm soát yếu tố gây bệnh). Tập thể dục (dưỡng sinh, yoga, đi bộ…) 30 phút mỗi ngày, kết hợp thở sâu (thở cơ hoành: hít vào bụng phình căng). Tốt nhất nên tập nhóm, câu lạc bộ…
Các dược liệu điều hòa hệ miễn dịch như nấm linh chi (đỏ, vàng), nấm thượng hoàng, nấm liêm xanh; đông trùng hạ thảo, nhân sâm, đinh lăng; nghệ giúp tăng glutathione trong các mô của cơ thể; cây cúc gai (có chứa hoạt chất silymarin bảo vệ chất glutathione trong gan)…
Bên cạnh đó thanh lọc đưa ra khỏi cơ thể những chất không có lợi bằng cách thở sâu, xoa bóp; tăng cường ăn chất xơ, tránh táo bón; tăng độ lọc cầu thận, thải độc qua đường tiểu; bảo vệ gan nhằm tăng chức năng hóa giải độc tố, bắt giữ vi khuẩn, tiết mật của gan.
Uống đủ nước, nếu có điều kiện nên chọn loại nước khoáng có pH thiên về base sẽ trung hòa tính acid của cơ thể do bệnh ung thư và thuốc điều trị gây ra. Sử dụng dược liệu như bạch hoa xà thiệt thảo, bán chi liên, kim ngân hoa, cỏ mực, rễ tranh, rau má, muồng trâu, trái nhàu, các loại rau có tinh dầu (húng lủi, tía tô, tần lá dầy, kinh giới, húng quế…).
Thức ăn và cách chế biến
Thay đổi tỷ lệ thành phần thức ăn hợp lý đạm thực vật nhiều hơn động vật; rau xanh đa dạng màu sắc, bảo tồn được nguồn men có vai trò trong chuyển hóa của cơ thể. Ưu tiên chọn thực phẩm tươi sống, không nấu quá chín hoặc bảo quản lâu ngày có thể làm giảm các hợp chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Hầu hết các loại rau và trái cây tươi đều có chứa glutathione, alpha lipoic acid (ALA), selenium như cà chua, cải bó xôi, đậu hà lan, cam, chuối, cà rốt, khoai, măng tây, bơ, nho, táo, mãng cầu xiêm, dưa leo, gừng, hành, tiêu, tỏi, các loại đậu, củ dền đỏ, khoai lang tím, khoai môn…
Khẩu phần ăn: ưu tiên chọn thực vật chiếm 70% và khoảng 30% động vật là cá, trứng. Nên ăn rau, củ, quả tươi sống (tất nhiên phải rau củ sạch, có thể ngâm trong nước sôi vài phút) và ăn rau trái trước khi ăn cơm (ưu tiên gạo lứt hoặc gạo không xay xát quá kỹ). Hạn chế bánh mì trắng, đường tinh chế, thức ăn chế biến sẵn. Ăn rất ít hoặc không ăn thịt đỏ, thịt nướng, mỡ động vật. Trong các bữa ăn nên dùng ít nhất 2/3 là thực vật và không quá 1/3 đạm động vật, thực vật đa màu sắc, bữa ăn sáng nhiều chất folate thiên nhiên có trong quả cam, dâu tây, cereal, các loại hạt, trứng, măng tây, dưa chuột, cải bó xôi… loại bỏ bơ, xúc xích, thịt nướng…
Ung thư căn bệnh quái ác và là nỗi ám ảnh của mọi người. Nó đang thách thức trí tuệ của toàn nhân loại. Khi mắc bệnh sẽ là nỗi đau vừa thể xác vừa tinh thần. Hiện nay, tỷ lệ bệnh mắc mới ngày càng tăng, có xu hướng chưa kiểm soát được và tạo gánh nặng về kinh tế cho bản thân cũng như gia đình. Vì thế, liệu trình phòng và hỗ trợ chữa trị chung nhất người chưa bệnh, cũng như người đang bệnh nên áp dụng. Thanh lọc cơ thể, thúc đẩy tuần hoàn và cải thiện sức đề kháng là mục tiêu hàng đầu cần hướng đến và duy trì lâu dài. Kiến thức và thực hành phòng bệnh cần được phổ biến từ tuổi cắp sách đến trường. Phát hiện bệnh sớm, trị bệnh khoa học, chắc chắn sẽ đạt mục tiêu “khi mắc bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết”.
Bác sĩ CKII Trần Văn Năm