Theo http://www.vinaorganic.com/
Nấm bào ngư hay nấm sò (Pleurotus ostreatus) thuộc họ Pleurotaceae có nguồn gốc từ Hungary, là loại nấm mọc trên các thân cây khô hoặc suy yếu, thành những tai nấm xen kẽ nhau như hình bậc thang. Mãi cho đến năm 1970, nấm bào ngư mới được nuôi trồng đại trà vì giá trị dinh dưỡng cao. Mang hương vị đặc trưng, thịt nấm thật dai, có thể chế biến nhiều món ăn phong phú – từ món gỏi đến món mặn.
Giá trị dinh dưỡng
Nấm bào ngư cũng như nhiều loại nấm khác, là thực phẩm đồng minh cho các chế độ ăn giảm cân vì chỉ cung cấp 35 Kcal/100 gr, thích hợp với các trường hợp rối loạn tiêu hóa hay thiếu máu não. Thành phần chủ yếu là nước, một ít protid, glucid, chất xơ, lipid. Hàm lượng vitamin cao nhất có thể kể là vitamin B3, PP, B5 (coenzym A) và B9 (a xít folat). Khoáng chất có được là potassium, phosphor, magnesium, sodium, calcium, sắt và một ít kẽm, đồng.
Giá trị về sức khỏe
Theo New York Magazine, nấm bào ngư còn có nhiều đặc tính tốt cho sức khỏe như phòng và chữa các bệnh cao huyết áp, béo phì, các bệnh đường ruột, lọc máu xấu; được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đồng ý cho dùng để điều trị thừa cholesterol trong máu. Ngoài ra, cũng đang có một số đề tài nghiên cứu về khả năng chống ung thư của nấm bào ngư do sự hiện diện của lovastatin trong tai nấm, tập trung ở phiến nấm và đặc biệt ở bào tử nấm.
Cách chọn và sơ chế nấm
Chọn nấm bào ngư có tai dày, dai cứng, thân tròn trịa và to. Trong điều kiện được giữ lạnh ở 5-8 độ C, có thể giữ tươi từ 5-7 ngày. Ở điều kiện gia đình, nấm bào ngư có thể bảo quản ở ngăn rau trong tủ lạnh, sau khi được làm sạch. Sơ chế nấm bằng cách trụng vào nước sôi 1-2 phút, vớt ra ngâm nước lạnh cho nấm săn chắc và hết mùi ngái, rồi mới chế biến và nên nấu chín.